Hiện nay, tại đất nước Đức đã có hơn 2.300 thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới. Điều gì đã khiến các sản phẩm "Made in Germany" nổi tiếng đến vậy?
Đức bắt đầu quá trình công nghiệp hóa của mình khá muộn. Trong khi Anh và Pháp đã hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp, Đức vẫn là một nước nông nghiệp. Nhưng hiện nay, tại đất nước chỉ với 80 triệu dân này, đã có hơn 2.300 thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới. Điều gì đã khiến các sản phẩm "Made in Germany" nổi tiếng đến vậy?
Hơn 2.300 thương hiệu nổi tiếng thế giới của nước Đức |
1. Mác "Made in Germany" từng là một biểu tượng "xúc phạm"
Sau khi bước vào quá trình công nghiệp hóa, người Đức đã "học hỏi" rất nhiều từ Anh và Pháp. Họ lấy cắp công nghệ và bắt chước sản phẩm của người khác.
Vì vậy mà Quốc hội Anh đã đặc biệt sửa đổi và cho thông qua "Luật nhãn hiệu" vào ngày 23 tháng 8 năm 1887. Điều luật này yêu cầu tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Đức vào thị trường Anh đều phải được đánh dấu "Made in Germany". Vào thời điểm đó, mác "Made in Germany" thực sự là một biểu tượng xúc phạm.
Vào thời kỳ đầu công nghiệp hoá, các nghiên cứu khoa học của Đức hoàn toàn không liên quan đến lĩnh vực sản xuất. Mặc dù được coi là "Trung tâm Khoa học của Thế giới" nhưng Đức vẫn chưa thể áp dụng những thành tựu đó vào việc kinh doanh của mình.
Đầu những năm 1890, các nhà khoa học Đức đã sang Mỹ khảo sát và nhận thấy sản phẩm công nghiệp của Mỹ có hàm lượng công nghệ rất cao. Khi đó, họ mới bắt đầu đưa ra chủ trương "kết hợp giữa lý thuyết và thực hành", thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khoa học ứng dụng. Do đã có nền tảng vững chắc về khoa học cơ bản nên Đức rất nhanh chóng thiết lập mối liên hệ giữa lý thuyết khoa học và thực tiễn công nghiệp, thành lập một đội ngũ các nhà khoa học, kỹ sư và công nhân kỹ thuật đẳng cấp thế giới. Đồng thời, họ cũng dẫn đầu "cuộc cách mạng động cơ đốt trong và điện khí hóa" giúp nền kinh tế công nghiệp Đức đạt được bước phát triển nhảy vọt.
Kể từ đó, tất cả máy móc, hóa chất, thiết bị điện, đồ dùng nhà bếp, đồ dùng thể thao,... của Đức đều trở thành những sản phẩm có chất lượng tốt nhất thế giới. Các công ty nổi tiếng nhất ở Đức hiện nay hầu hết đều đã trưởng thành từ thời kỳ đó. Và danh tiếng của họ vẫn được duy trì cho đến ngày nay.
2. Trân trọng "danh tiếng về sau", không tham lam "lợi ích trước mắt"
Đức không phải là một quốc gia yêu thích cái mới mà chối bỏ cái cũ. Con người ở đây rất thích hoài niệm về những ký ức xưa cũ và văn hóa lâu đời.
Có một giáo sư người Đức cho biết ông vẫn giữ một chiếc đài ống được sản xuất từ những năm 1960 trong nhà. Vì chất lượng tốt nên đến nay, nó vẫn hoạt động rất bình thường. Có người ngạc nhiên hỏi: "Ông vẫn còn dùng món đồ cũ như vậy sao?" Ông nói: "Đúng vậy. Bởi mỗi khi nhìn thấy nó, tôi sẽ nhớ đến những ký ức thời thơ ấu. Đối với tôi, đó là điều đáng quý!"
Chiếc bút bi do Đức chế tạo dù có rơi xuống đất cả chục lần thì khi nhặt lên, nó vẫn có thể sử dụng được. Những ngôi nhà dân dụng ở Đức được xây dựng rất chắc chắn, nó sẽ không bị sập trong 120 năm. Đó là lý do tại sao, ngay cả khi bị chiến tranh phá hủy, người Đức cũng phải xây dựng lại chúng y như cũ.
Có một bức ảnh chụp một tòa nhà ở Đức có tên là "Unchanged Germany" (Nước Đức không thay đổi). Đó là một ngôi nhà cổ được xây dựng theo phong cách cuối thời đại Baroque và Rococo sau Thế chiến thứ hai. Tại sao nó lại có tên như vậy? Sau Thế chiến thứ hai, hầu như tất cả các thành phố ở Đức đều chìm trong đống đổ nát. Những ngôi nhà cổ bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Và người dân ở đây đã làm gì? Họ tìm kiếm các bức ảnh và bản vẽ thiết kế năm xưa, cẩn thận xây dựng lại từng ngôi nhà. Nếu đã từng sang Đức, bạn sẽ thấy hầu hết các thành phố đều không có bất kỳ một tòa nhà hiện đại nào và phần lớn chúng đều mang phong cách Baroque và Rococo.
Việc Nhà hát Opera Hoàng gia bị máy bay Mỹ phá hủy hoàn toàn trong Thế chiến thứ hai đã khiến người Đức vô cùng đau buồn.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, người Đức đã thuê hàng trăm các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà khảo cổ học, kiến trúc sư và công nhân lành nghề để cải tạo lại nó. Họ phải mất tới 35 năm mới có thể hoàn thành công trình này. Bây giờ, khi đến Nhà hát, bạn sẽ không thể ra rằng nó đã được tu sửa lại sau một trận nổ kinh hoàng. Tòa nhà này đã trở thành "Di sản văn hóa thế giới". Đại diện của UNESCO cho biết: "Hành động yêu và tôn trọng văn hóa này của người Đức chính là di sản văn hóa của thế giới".
Do bất động sản chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu nền kinh tế của Đức nên rất khó để một kiến trúc sư có được một dự án xây dựng. Vì vậy nếu thắng thầu, anh ta chắc chắn phải thiết kế vô cùng cẩn thận và biến nó trở thành một kiệt tác nghệ thuật, để nó có thể tồn tại lâu dài.
Khi đến đây, bạn sẽ không bao giờ thấy hai tòa nhà giống nhau. Các kiến trúc sư người Đức không coi trọng cái "lợi trước mắt" mà là "danh tiếng về sau".
3. Trong kinh doanh, mỗi cá nhân đều phải cố gắng làm tốt nhất có thể
Trong cuộc họp báo, một phóng viên nước ngoài đã hỏi Peter von Siemens: "Theo ông, tại sao ở Đức lại có tới hơn 2.300 thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới?"
Chủ tịch của Siemens trả lời rằng: "Điều đó phụ thuộc vào thái độ làm việc của người Đức chúng tôi và sự quan tâm đến từng chi tiết của mọi công nghệ sản xuất. Tất cả nhân viên của chúng tôi đều có nghĩa vụ sản xuất ra các sản phẩm chất lượng nhất và cung cấp những dịch vụ sau bán hàng tốt nhất."
Phóng viên hỏi thêm: "Có quan điểm cho rằng mục tiêu cuối cùng của các doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận. Ông nghĩ sao về điều này?".
Chủ tịch Siemens trả lời: "Không, đó là quan niệm kinh tế học của Anh và Mỹ. Người Đức chúng tôi lại có suy nghĩ khác. Đối với chúng tôi, hoạt động sản xuất mới thật sự là linh hồn của một doanh nghiệp, chứ không phải là tối đa hóa lợi nhuận."
Và đó là "điều Chúa muốn bạn làm".
Ở Đức, sẽ không có một doanh nghiệp nào phát triển nhanh chóng và trở thành tâm điểm của thế giới trong một sớm một chiều. Họ thường là những công ty nhỏ hoặc những công ty có tốc độ phát triển chậm, chỉ tập trung vào một lĩnh vực và một sản phẩm nhất định. Nhưng chắc chắn, tại đây sẽ không có "công ty giả mạo".
Phần lớn các công ty nổi tiếng đều có lịch sử phát triển lâu đời với cả trăm năm kinh nghiệm. Họ chú trọng vào chất lượng và giá trị sản phẩm.
Ở Đức có một xưởng rượu gần 400 năm tuổi, một công ty lốp xe Continental được thành lập vào năm 1871 và hiện nay đã có chi nhánh khắp cả nước, có Adidas được thành lập vào năm 1920 với lịch sử trăm năm...
Các doanh nghiệp ở Đức đều chỉ cần đảm bảo được lợi nhuận cơ bản và có đủ tiền để kiếm tiền. Thay vì quá tham lam, họ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề làm sao để có thể phát triển lâu dài và bền vững. Do đó, người Đức đã quyết định "biến một phần lợi nhuận thành các sản phẩm và dịch vụ chất lượng tốt hơn mà vẫn đảm bảo mức lợi nhuận cơ bản."
4. Nhìn xa trông rộng
Hiện nay ở Đức, chỉ có ba thành phố lớn là Berlin, Hamburg và Frankfurt, còn lại là các thành phố vừa và nhỏ.
Đại đa số người Đức đều sống ở các thành phố vừa và nhỏ với mức dân 50.000, 100.000, 150.000 và 200.000. Với họ, những thành phố 500.000 dân là quá lớn.
Khung cảnh quen thuộc của các thành phố tại đây hầu như đều có đặc điểm: Phần cao nhất của một thành phố phải là chóp của nhà thờ, và không có tòa nhà nào có thể vượt qua nó.
Người Đức chỉ xây nhà cao tầng ở 3 thành phố lớn và đây cũng là những công trình nổi tiếng trên thế giới. Nhưng có một điều kiện kèm theo, đó là phải đảm bảo những tòa nhà này khi đổ xuống từ bất kỳ hướng nào, cũng không gây ảnh hưởng đến các công trình khác. Vì vậy, nhà càng cao thì không gian xung quanh càng rộng rãi, thoáng đãng. Khi người Đức xây một ngôi nhà, họ phải xem xét kỹ tất cả các yếu tố có thể xảy ra sau đó.
5. Người Đức không tin vào hàng chất lượng giá rẻ.
Ưu điểm của "Made in Germany" không nằm ở giá cả mà là chất lượng, vấn đề độc quyền và dịch vụ sau bán hàng tuyệt vời. Sản phẩm do các công ty của Đức phát triển nói chung là những sản phẩm hàng đầu thế giới, có độ hoàn thiện cao. Hơn 30% hàng xuất khẩu của Đức là sản phẩm độc quyền không có đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bạn có thể thương lượng về giá với người Nhật, nhưng sẽ không thể cắt giảm dù chỉ với một đồng với người Đức.
Tất cả các sản phẩm dành cho trẻ em dưới 3 tuổi của Đức hoàn toàn có nguồn gốc từ tự nhiên, không chứa chất phụ gia. Các sản phẩm dành cho mẹ và bé chỉ được phép bán tại các nhà thuốc. Socola được yêu cầu sử dụng bơ cacao tự nhiên để chế biến và sản xuất.
Các sản phẩm hóa chất phi công nghiệp do Đức sản xuất như chất tẩy rửa, nước rửa tay,... ngoài tác dụng làm sạch và diệt khuẩn, chúng đều được sử dụng công nghệ phân hủy sinh học. Các thành phần hóa học có trong sản phẩm cũng được lựa chọn kỹ càng để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của hóa chất đến cơ thể.
Với người Đức, bạn chỉ cần mua đồ dùng nhà bếp duy nhất một lần trong đời bởi chúng có thể tồn tại cả trăm năm. Ở Đức, rất nhiều người đang sử dụng bếp, nồi,... mà thế hệ trước đã truyền lại.
Nồi nấu canh do Đức sản xuất được làm hoàn toàn từ thép. Mặt phía trong của nắp có hoa văn kỳ lạ, khi đóng sẽ rất kín. Tôi đã hỏi người bán hàng và họ cho biết: "Đây là một kỹ thuật. Khi đóng nắp, nước sẽ chảy xuôi theo những hoa văn một cách tự nhiên. Đồng thời, nếu đóng kín như vậy thì thức ăn có thể chín nhanh hơn và giúp tiết kiệm gas đáng kể."
Một học giả nước ngoài đã từng hỏi một doanh nhân người Đức rằng: "Tại sao nước bạn phải sản xuất những thứ có độ bền cả trăm năm?"
Ông ấy trả lời: "Có hai lý do để chúng tôi làm điều này. Thứ nhất, Đức không phải là một quốc gia giàu tài nguyên. Hầu hết các nguyên liệu công nghiệp quan trọng đều phải nhập về từ nước ngoài. Vì vậy chúng tôi phải tiết kiệm, tận dụng nó hiệu quả và sử dụng càng lâu càng tốt. Một lý do khác là người Đức tin rằng chất lượng sản phẩm sẽ được phản ánh thông qua việc nó có sử dụng được hay không và trong bao lâu."
Mai Lâm
Theo DDN